Hình như câu nói này rất quen thuộc phát ra từ các cán bộ miền ngoài trong những năm tôi còn nhỏ, cái thời mà đi đâu cũng thấy khẩu hiệu, mà cái chỗ khai mùi nước đái nhất là nơi có bảng hiệu 'cấm đái'. Xứ mình nó vậy, dân không thích chính quyền nên cứ toàn âm thầm làm ngược lại. Thế mà mấy chục năm rồi, những khẩu hiệu kiểu 'gia đình văn hóa mới' cứ nhan nhản, dù người ta đang tìm về văn hóa Sài Gòn xưa của thời 'Hòn ngọc Viễn Đông', chứ chẳng ai thèm cái 'văn hóa mới' và cũng chẳng thèm biết văn hóa mới là văn hóa gì.
Mỗi ngày đi làm về, tôi đi bộ từ xưởng tàu đến bãi đậu xe hết 15 phút. Ở Mỹ này đi bộ một dặm là đã xa lắm rồi, đi bộ hơi lâu nhưng cần thiết vì tôi chẳng có thì giờ để chạy bộ hay tập thể dục. Coi như đi bộ là tập thể dục vậy.
Hôm nay có 1 người công nhân Mễ ghé chiếc xe lam tới mời tôi lên xe. Tôi nói xe lam vì nó có 3 bánh và chỉ đủ cho 3 người. Lần đầu tiên có người mời tôi lên xe, lại là 1 công nhân tay lấm chân bùn. Có lẽ tụi tôi cùng là dân thiểu số và có lẽ anh ta thấy tôi là hàng hiếm khi giữ vị trí số 2 trong ban kỹ sư, nhưng lại là người làm việc với nhà thầu nhiều nhất vì tôi là giám đốc QA (Quality Assurance)- kiểm định chất lượng, người ký nhận kết quả các gói thầu. Ngày thường tôi hay dặn tụi lính phải tôn trọng họ, nhất là những người nói tiếng Anh không rành. Tôi cũng là người kiếm việc cho họ, vì tôi làm việc trực tiếp với ông chủ da trắng của họ để đặt gói dịch vụ.
Anh Mễ này làm cho 1 công ty chuyên cung cấp dịch vụ bơm dầu cặn ra khỏi đáy tàu, phòng máy và dọn dẹp. Trong số những nhà thầu thì đây là nơi có số lao động có tính culi nhất, và 100% công nhân đều là người gốc Mêhicô, mà người Việt gọi ngắn gọn là Mễ (từ chữ Mễ Tây Cơ).
Sẵn dịp ngồi chung xe nên tôi hỏi thiệt là lương bổng của anh ta bao nhiêu 1 giờ. Vượt ra ngoài mong đợi của tôi, anh nói anh mới lên lương 16 USD/hr. Tôi tò mò hỏi thêm thì biết công ty này lương khởi điểm là 11.50 USD, sau 3 tháng thử việc được nhận chính thức là 14.50 USD. Anh này làm được 2 năm nên lương được lên 16 USD. Tôi hỏi thêm về anh đốc công người Mễ thì biết là anh đốc công nhận lương năm (salary), khoảng 60-70 ngàn 1 năm. Và cái nghề này chẳng cần bằng đại học 4 năm hay 2 năm gì, chỉ cần siêng năng và đàng hoàng.
Bỗng tôi nghĩ tới những cái nghề khác nhìn rất sạch sẽ, rất thanh lịch nhưng chỉ có 12-13 USD, trong đó có nghề đếm tiền và phát tiền ở ngân hàng. Rồi tôi nghĩ tới hiện tượng tuổi trẻ trong nước có thời đổ vào học kinh tế, ngân hàng đến nỗi có mấy trăm ngàn cử nhân ra trường thất nghiệp, có em kiếm không được việc trong 4 năm nên thất chí tự tử.
Và mỗi ngày, tôi lại thấy những người công nhân Mễ siêng năng làm việc ở xưởng tàu với mức lương từ 16 đến 25 đô la 1 giờ. Sức lao động của họ được trả công xứng đáng bởi những nhà tư bản từng được xứ thiên đường gọi là bóc lột sức lao động.
'Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu' thì chỉ có chân dài câu đại gia là thích hợp, vì có em ít năng lực nhưng nhu cầu hưởng thụ thì lớn và vẫn được hưởng.
Xứ mình khác xứ Mỹ chính là ở câu khẩu hiệu này.
No comments:
Post a Comment