Thursday, March 24, 2016

Những đứa Mỹ con

Sống ở Mỹ một thời gian khá lâu tôi mới nghe tới chữ "Mỹ con", một từ mà dân FOB (Fresh off the Boat), thế hệ di dân một và một rưỡi như tôi, dùng để nói về tuổi trẻ Việt sanh ra và lớn lên ở Mỹ. Mỹ con là những người Việt trẻ có lối suy nghĩ và lối sống gần như là người Mỹ.
Tôi còn nhớ ngày xưa khi còn ở trong nước, tôi được nhồi sọ bởi truyền thông lề phải về sự mất gốc của thế hệ thứ hai, nào là không nói được tiếng Việt hay họ không giữ gìn được bản sắc dân tộc. Mà bản sắc dân tộc Việt là cái gì thiêng liêng và mơ hồ lắm, sống càng lâu ở Phương Tây thì người Việt lại tự nguyện trút bỏ bớt đi bản sắc để thấy mình còn giống những người chung quanh hơn một chút. Chứ giữ nguyên mấy cái bản sắc không được hay ho như không chịu xếp hàng, xả rác và ồn ào nơi công cộng thì người dân địa phương cứ tưởng mình là khách du lịch từ Trung Hoa đại lục.
Hôm qua nhà tôi có khách là anh lính Mỹ gốc Việt tên là Charlie. Trước khi tới nhà chơi, Charlie nhắn tin xin phép vì sợ làm phiền ngày cuối tuần của tôi, một phép lịch sự tối thiểu mà trẻ em lớn lên ở Mỹ đều được dạy dỗ khi muốn đến nhà người khác. Sẵn dịp tôi cũng muốn giới thiệu một đứa Mỹ con với văn hóa cộng đồng Việt. Charlie sanh ra ở Mississippi, một tiểu bang vốn có hai sắc dân chính là trắng và đen, và đặc biệt là rất nhiều người da đen nghèo. Người Việt ở đây khá ít nhưng tập trung làm nghề cá. Charlie lớn lên với bạn bè người Mỹ đen nhiều nên khi nói hay dùng nhiều tiếng lóng của Mỹ đen lại thêm cái 'accent' rất Mỹ đen nên nhiều khi không nhìn mặt mà nghe nó nói thì tưởng là người Mỹ chính gốc.
Đưa Charlie xuống phố Bolsa, chuyện đầu tiên nó muốn làm là đi cắt tóc ở tiệm Việt, vì nó tin là thợ Việt Nam cắt tóc người Việt là đẹp nhất. Thả nó ở một tiệm tóc gần khu Phước Lộc Thọ, tôi tranh thủ đi mua vài thứ lặt vặt. Nửa tiếng sau qua lại thấy nó đang cố gắng nói chuyện với một phụ nữ Việt trung niên ngay quầy tính tiền. Đợi hai ba phút mà thấy không xong, tôi tiến gần thì mới hiểu ra là anh chàng không đem theo tiền mặt, và chủ tiệm không chịu cà thẻ lấy 7 đô la tiền cắt tóc. Móc vội 10 đồng ra trả giùm cho Charlie, tôi kéo nó ra xe.
Một tai nạn nho nhỏ trong nghề hướng dẫn du lịch amateur của tôi, vì quên dặn anh Mỹ con là quanh khu Bolsa thường là 'Cash Only' business, tức là họ chỉ nhận tiền mặt. Nhưng nghĩ lại tôi thấy mình không nên gây ấn tượng đầu tiên không được tốt đẹp cho lắm nếu giải thích cho nó chuyện nhiều chủ cơ sở kinh doanh Việt Nam ở đây là chuyên gia trốn thuế.
Vào xe rồi, tôi hỏi nó có hài lòng với mái tóc không, nó trả lời: "Cắt tóc thì ok, nhưng kỳ quá, tại sao tôi nói không cần dùng 'gel' sau khi cắt mà bà ấy cứ chà gel và nói nhìn như vậy sẽ đẹp hơn. Bả không hề listen. Còn nữa, sau họ lại không chịu lấy thẻ ATM ?" Tôi giả lả nói: "Bà kia nghĩ tốt cho mày nên mới vuốt keo để thấy mái tóc do bà ta cắt là đẹp, còn chuyện không lấy thẻ là vì ở đây ít ai xài thẻ nên tiệm đó cũng không quen cà".
Để bù lại chuyện không vui, tôi rủ nó đi uống Cà Phê Lú nổi tiếng thế giới, mà dân đạo cà phê thường nói là 'đặc sản Quận Cam'. Rút kinh nghiệm nên tôi nói: "Lần này đừng lo chuyện tiền mặt, vì anh bao". Tôi cũng tranh thủ giải thích cho nó biết là đàn ông Việt uống cà phê không góp tiền trả như người Mỹ mà thường là mời nhau, chỉ có một người trả tiền mà thôi, nếu không thì mất mặt lắmăm
Vừa bước vô quán Lú, anh Mỹ con này choáng ngợp trước cái độ mát mẻ của mấy bộ bikini thiếu vải mong manh, dù bên ngoài trời khá lạnh. Hình như Charlie có rút kinh nghiệm lần trước nên anh hỏi cô tiếp viên xem anh có thể chụp hình chung không. Cô bé tỉnh như ruồi nói: 'Chụp với một girl là 10 đồng/tấm, chụp với cả nhóm là 20 đồng/tấm'. Không biết cô bé này có nói đùa hay không mà anh chàng này tin sái cổ.
Tai nạn nghề nghiệp thứ hai, vì tôi không hề biết chụp hình với mấy cô Lú lại tốn kém như vậy, dù thỉnh thoảng có đưa khách khứa ở xa đến đây suốt mười năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên có khách xin chụp hình với mấy mỹ nhân nơi đây. Charlie khá lúng túng vì không có tiền mặt. Cô tiếp viên rất lanh, đoán được chuyện này nên cô nói: có máy ATM đằng kia kìa. Giờ tôi mới để ý và phục cô chủ quán Cafe đã sắp đặt một cái máy ATM gần toilet, để khách nào quên đem tiền mặt mà lỡ bước vào đây cũng không sao, nhất là khi nổi hứng muốn lấy lòng mấy em mà hết tiền mặt thì cũng 'no problem' hết. Anh Mỹ con liền tới rút tiền và tới quầy chụp ngay mấy pô. Về lại bàn anh khoe hai tấm hình chụp bằng phone với bốn cô tiếp viên xinh đẹp, vậy là mất toi 40 đô. Nhìn qua tấm hình thấy anh đứng nghiêm trang quá, hai tay đan lại trước bụng, tôi chọc nói : "sao căng thẳng vậy, không choàng tay qua vai hay eo mấy em ?". Anh thiệt tình nói: "à hả, hồi nãy run quá, mà cũng sợ tính thêm tiền, vì quên hỏi giá choàng tay qua eo tốn bao nhiêu?"
Lúc này thì tôi không nhịn được cười. Đúng là Mỹ con, ngây thơ và sòng phẳng đến khó tin. Cười xong, tôi lại thấy thương cho Mỹ con, vì họ sẽ là con nai vàng ngơ ngác đối với đồng hương lớn lên ở mẫu quốc như bà chủ tiệm tóc, cô hàng cà phê và chính tôi. Lại nghĩ thêm rằng, nếu con nai vàng này về Việt Nam, lỡ vào cắt tóc ở đường Bùi Thị Xuân mà gặp mấy em ca sáu câu vọng cổ kiểu nhà nghèo cha mẹ đông, bị ung thư hay "viêm túi" giai đoạn cuối thì có lẽ con nai này sẽ bị xẻ thịt ngay khi muốn làm anh hùng cứu mỹ nhân, hay Từ Hải cứu Thúy Kiều. Chẳng lẽ Mỹ con sẽ không sống nổi trên cố hương mình hay đơn giản chỉ là cộng đồng Việt ở xứ người, một khi mà hệ thống miễn nhiễm của họ trước những phức tạp của cuộc sống Châu Á đang yếu đi vì được nuôi dưỡng trong một không gian trong lành hơn ?

No comments:

Post a Comment